Chép từ Một thế giới
“Hôm ấy là 27 tết, cả nhà đang chuẩn bị đón năm mới thì được tin anh Thà tử trận trong khi chiến đấu giữ đảo. Trời đất dưới chân tôi sụp đổ, nếu không có ba đứa con thơ chắc có lẽ tui đã chết theo anh ấy…”, bà Huỳnh Thị Sinh, vợ của cố thiếu tá Ngụy Văn Thà, hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo HQ10 của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, người đã tử trận trong trận hải chiến năm 1974, bắt đầu câu chuyện với chúng bằng một sự kiện được xem là bước ngoặt của đời mình.
Sinh năm 1948 trong một gia đình gốc Bạc Liêu di cư lên Sài Gòn. Thời thiếu nữ, bà Sinh nổi tiếng là xinh đẹp và học giỏi.
“Khoảng năm 1963, thông qua một vài người bạn, tôi và anh Thà quen nhau. Lúc đó anh Thà là sinh viên hải quân mới ra trường, công tác tại một giang đoàn đóng quân ở Vĩnh Long”, bà Sinh nhớ lại.
Sau lần gặp nhau ở Sài Gòn vào đầu năm 1963, hai người bắt đầu thư từ qua lại với nhau.
Xen lẫn vào giữa những cánh thư đầy tình tứ ấy là những chuyến viếng thăm của bất ngờ của anh thiếu úy Hải quân.
“Nhiều người nghĩ rằng sĩ quan quân đội phải “hầm hố” lắm. Thế nhưng anh Thà không phải thế, ảnh rất thư sinh, hiền hậu. Mỗi lần lên Sài Gòn thăm tôi, ảnh chỉ quanh quẩn xem trong nhà có chuyện gì để làm giúp…Thỉnh thoảng lắm hai đứa mới rủ nhau đi dạo phố, xem phim…”, bà Sinh hồi tưởng.
Sau gần 4 năm quen nhau, đến năm 1967, ông Ngụy Văn Thà và bà Huỳnh Thị Sinh đi đến hôn nhân.
Một đám cưới đơn giản được tổ chức tại Trảng Bàng (Tây Ninh) – quê nhà của ông Thà.
Cuối năm 1967, ông bà có đứa con đầu lòng đặt tên là Ngụy Thị Thu Trang.
Hai năm sau đến lượt con gái thứ hai là Ngụy Thị Thu Thủy chào đời.
Và năm 1972, cô gái út Ngụy Thị Thu Tuyết được sinh ra.
Một năm sau khi sinh ra cô gái Út, ông Thà được chính quyền Sài Gòn cho thuê một căn hộ nằm trong chung cư Nguyễn Kim (Quận 10). Lúc này, ông Thà cũng được điều chuyển về làm việc ở chiến hạm Nhật Tảo HQ-10.
“Mang tiếng là có nhà riêng nhưng anh Thà đi suốt, rất ít khi anh ở nhà với vợ con. Có lúc hai tháng anh mới về nhà một lần, mỗi lần anh về ở nhà cũng chỉ khoảng 10 ngày rồi lại đi…”, bà Sinh kể.
Đến giờ, nhắc đến lần gặp cuối cùng của hai vợ chồng, bà Sinh vẫn còn nhớ như in.
“Lần đó, chiếc tàu do anh chỉ huy bị hư hỏng nên phải vào cảng Ba Son để sửa chữa. Anh tranh thủ về nhà ở vài ngày. Buổi sáng trước ngày anh ra đi, sau khi chia tay vợ con anh Thà xách va li ra đi. Tuy nhiên, gần 3 giờ chiều khi tôi đang đứng trên tầng thượng chung cư thì thấy anh xách va li trở về. Hỏi có chuyện gì thì anh bảo chiếc tàu lại hư…” bà Sinh cho biết thêm.
Tuy nhiên, cũng chỉ ở bên vợ con thêm một đêm, sáng hôm sau ông Thà cùng chiến hạm của mình thẳng tiến Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền.
Chiều ngày 19.1.1974, thông qua báo chí, bà Sinh biết được có một trận hải chiến bảo vệ chủ quyền vừa mới diễn ra ở Hoàng Sa. Tuy nhiên, bà không hề biết trong trận hải chiến đó, tàu của chồng mình trực tiếp tham gia.
“Chiều ngày 20.1.1974, khi những chiếc tàu cuối cùng từ Hoàng Sa trở về thì tôi mới được báo tin là anh Thà đã tử trận ngay trên buồng chỉ huy, hôm ấy là 27 tết… Càng đau đớn hơn, khi đứa con gái lớn mang tờ giấy báo tin ra cầu thang đánh vần từng chữ “hạm…trưởng…Ngụy…Văn…Thà…đã…tử…trận”…”, nước mắt bà Sinh rơi dài khi nhắc đến chi tiết này.
Hai mươi sáu tuổi, một nách nuôi 3 con mà đứa lớn nhất chỉ mới lên 9, đứa nhỏ nhất vừa mới lên 3 khiến cuộc sống của bà “quả phụ Hoàng Sa” vô cùng khó khăn.
Để nuôi con, tài sản mà hai vợ chồng dành dụm được trong suốt 9 năm sống chung lần lượt “đội nón ra đi”.
Sau đó, phía Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, cũng đã bố trí cho bà Sinh vào làm trong Ngân hàng Việt Nam thương tín để giải quyết phần nào khó khăn.
Đó là ước mơ lớn nhất của bà “quả phụ Hoàng Sa” Huỳnh Thị Sinh.
Các con của bà bây giờ cũng có gia đình riêng nên bà cũng không còn quá nhiều điều bận tâm.
Bà cho biết, đã 4 năm nay, bà phải chuyển về sống chung gia đình của những người em.
Do sống chung nên việc thờ tự cho người chồng, người cố hạm trưởng mà bà vẫn vô cùng ngưỡng mộ, không thể thực hiện được.
Được biết năm 2009, ngôi nhà chung cư nơi mà bà đã ở từ năm 1973 bị nhà nước giải tỏa để xây mới nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Ngày đó, nhà đầu tư đưa ra nhiều phương án để đền bù, tuy nhiên, do khu chung cư này có quá nhiều kỷ niệm với người chồng quá cố nên bà chấp nhận phương án nhận đền bù thấp để được một suất ở trong chung cư.
Trở lại với câu chuyện mưu sinh sau năm 1975, bà Sinh cho biết, mặc dù biết rõ ông Thà là sĩ quan cấp trung của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, thế nhưng nhà nước cũng bố trí cho bà một công việc thích hợp.
Ban đầu là ở hợp tác xã mua bán, sau thấy bà Sinh có trình độ nên được bố trí qua của hàng ăn uống của quận với chức danh cửa hàng trưởng.
Số tiền lương không cao, thế nhưng nó cũng giúp bà nuôi con khôn lớn.
Mặc dù con cái không được học hành như mong muốn, song bà cũng tạm hài lòng về cuộc sống của gia đình mình thời đó.
Khi được hỏi về việc “không đi bước nữa”, bà “quả phụ Hoàng Sa” cho biết, vì quá yêu chồng và thương các con mà bà không có thời gian và cũng không hề nghĩ đến chuyện này.
Chia tay chúng tôi, bà Sinh cho biết, bà mới được mời đi tham gia một lễ tưởng niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa bà vui lắm.
Bà vui vì những người Việt Nam yêu nước vẫn còn nhớ đến Hoàng Sa, nhớ đến trận hải chiến oai hùng ngày nào và chồng bà – hạm trưởng Ngụy Văn Thà đã góp máu mình trong đó.
Ngoài bà Huỳnh Thị Sinh, còn có một “quá phụ Hoàng Sa” khác cũng ở vậy thờ chồng.
Đó là bà Ngô Thị Kim Thanh, vợ của hạm phó Nguyễn Thành Trí – người cũng đã tử trận trong trận hải chiến năm 1974.
Khi ông Trí mất, bà Thanh 28 tuổi và đang mang thai được hai tháng rưỡi.
Hiện bà Thanh đang sống tại một chung cư ở quận 3.
Mặc dù có chồng công tác chung đơn vị và cùng bỏ mình để bảo vệ bờ cõi, đất đai của tổ tiên thế nhưng hai người chỉ mới gặp nhau và trở thành bạn thân cách đây vài năm.
Nguyễn Minh – Ảnh: Võ Trâm
[…] Nhịp cầu Hoàng Sa Danh sách đóng góp Danh sách tử sĩ Hoàng Sa Người vọng phu Hoàng Sa Hai bà quả phụ Hoàng Sa […]