Lưu trữ: August 2015

ĐẦU GIÁ TRANH XÂY NHÀ CHO CÔ GIÁO VÂN CHI

Bức tranh này được họa sỹ Phương Bình vẽ khi cô nghe ca sĩ Ánh Tuyết hát Buồn Tàn Thu của Văn Cao. Tên của ca khúc, vì thế, đã được mượn để đặt cho bức tranh và tác giả đã tặng nó cho Ánh Tuyết. Cảm kích trước tình cảm của Phương Bình, ca sĩ Anh Tuyết đã nhận bức tranh và tặng lại cho NCHS.

NCHS quyết định bán đấu giá bức tranh11223305_858842140817635_170821506542697802_n 11890997_858842650817584_4784679871258285619_n 11892074_858842240817625_3012819772966099986_n 11899810_858841997484316_5198269476921691063_n 11914861_858842344150948_5001268285096447205_n này để giúp cô giáo Vân Chi – vợ đại úy, liệt sỹ Biên phòng Trần Văn Duẩn – xây nhà tại thị trấn Bát Xát, tỉnh Lào Cai (Trong khi chờ bà quả phụ Hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí chọn được phương án cải thiện nhà ở cho gia đình).

Mức giá khởi điểm là 9 triệu VND, bắt đầu từ hôm nay, 20-8-2015; phiên cuối cùng sẽ diễn ra lúc 12:00 ngày 26-8-2015.

Trần Văn Duẩn hy sinh ngày 17-2-2011, khi anh đang là trung úy, đội trưởng trinh sát, đồn biên phòng A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai, trong một nỗ lực ngăn chặn xâm nhập biên giới trái phép từ Trung Quốc. Sau khi hy sinh, trung úy Duẩn được truy phong đại úy. Cô giáo Vân Chi, vợ anh, sau đó vẫn ở lại Biên giới dạy học, thờ chồng. Hiện hai mẹ con cô giáo Vân Chi vẫn phải ở nhà thuê ở Bát Xát.

Về Trần Văn Duẩn, nhà báo Lê Đức Dục  và Nguyễn Đức Bình (Tuổi Trẻ), kể:

Năm 2007, khi lên công tác ở Bát Xát chúng tôi gặp Trần Văn Duẩn, trạm trưởng trạm biên phòng Tùng Sáng. Trạm chỉ có ba chiến sỹ trẻ, đều chưa vợ. Năm 2008, Duẩn được trên phân công đi dự lớp huấn luyện chỉ huy, đây cũng là cơ hội để người lính chuyển đồn. Nhưng Duẩn từ chối những địa bàn thuận lợi hơn để về lại A Mú Sung. Nơi, từ năm 2006, anh đã phải lòng một cô gái bản. Yêu nhau suốt ba năm. Khi học xong, Duẩn – chàng trai Nghĩa Hưng, Nam Định – 25, và cô giáo Chi – quê Yên Bái – vừa 24. Họ quyết định ở lại vì, theo Duẩn, “cả hai đứa đều đã ngấm sương gió Biên thùy”.

Trở lại A Mú Sung vào một ngày Chủ nhật, cuối năm 2010, chúng tôi may mắn gặp lúc Duẩn đang cùng vợ, cô giáo Vân Chi, lên Trạm thăm đồng đội. Trên tay hai vợ chồng là cậu con trai kháu khỉnh, sắp tròn một tuổi, tên là Trần Bảo Nam. Chúng tôi nhớ mãi câu trả lời của Duẩn khi được hỏi về ý nghĩa của cái tên Bảo Nam: “Với gia đình là ‘báu vật’; với đất nước là ‘bảo vệ nước Nam’ anh ạ!”.

Câu chuyện về Duẩn và đồng đội được kể trên báo Tuổi Trẻ vào tháng 12-2010. Khi nhận những tờ báo mà chúng tôi gửi lên đồn, Duẩn vui lắm, hẹn ngày về phép ghé thăm anh em. Thế nhưng chỉ ba tháng sau, ngày 17-2-2011, chúng tôi nhận điện thoại từ anh em đồn A Mú Sung báo tin Duẩn đã hy sinh.

Tối 16-2-2011, chừng gần 21 giờ đêm, khi thấy Duẩn quân phục, quân hàm chỉnh tề, đã quen với những công việc như vậy của chồng, Chi chỉ hỏi: “Anh đi khi nào về?”. Duẩn vừa hôn bé Bảo Nam đang ngủ, vừa nói: “Chừng một tiếng anh về”.

Hơn 12 giờ đêm vẫn không thấy Duẩn. Gọi điện thoại thì không nghe chuông đổ. Vân Chi nằm thao thức, ruột gan như lửa đốt. Rạng sáng, mấy người bạn giáo viên bên trường ghé nhà bảo Chi hãy bình tĩnh; rồi nói, đồn biên phòng báo là Duẩn bị mất tích. Lúc đó, Chi vẫn không tin là chồng cô đã vĩnh viễn ra đi.

Đêm 16-2 ấy, nhận tin báo có một chiếc “thuyền lạ” vượt đường phân thủy, Duẩn liền lập tức đến hiện trường. Anh huy động dân quân địa phương, chia làm ba tốp để ngăn chặn sự xâm nhập. Chiếc “thuyền lạ” lúc ấy ở quãng sông cách vị trí đồn A Mú Sung chừng 500 mét… Đồng đội nghe có tiếng người bị ngã xuống nước.

Đêm tối, nước sông Hồng chảy xiết, những người đi cùng Duẩn vừa tìm cách cứu anh, vừa báo cho đồn. Đơn vị huy động tất cả anh em cán bộ chiến sĩ ra tìm kiếm. Tiếng gọi “Duẩn ơi” vang trên Biên cương, xé toang đêm sương mù A Mú Sung.

Mãi đến 11 giờ trưa 17-2-2011 mới tìm thấy Duẩn ở quảng sông cách đồn 200 mét về phía thượng nguồn.

Vợ Duẩn, cô giáo Vân Chi ôm Bảo Nam như mê như dại. Những ước mơ, những dự định, câu chuyện về một tổ ấm trong mơ xây “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” vỡ vụn trong nước mắt. Sau chuyến về quê ấy, chúng tôi đã trở lại tìm gặp Vân Chi và bé Bảo Nam. Vân Chi lúc ấy đã được thu xếp về dạy ở trường mầm non thị trấn huyện Bát Xát.

Trong căn nhà nhỏ mà cô giáo Vân Chi thuê ở Bát Xát, chiếc bàn thờ đặt khiêm tốn ở một góc cao. Bên cạnh là chiếc mũ sĩ quan biên phòng của Duẩn. Mỗi lần lên đồn A Mú Sung, lên trạm Lũng Pô, Chi lại lấy chiếc mũ ấy đội cho bé Bảo Nam.

Ở đồn A Mú Sung có một tấm bia khắc lên 30 liệt sĩ, hầu hết anh em đều hy sinh vào ngày 17-2-1979. Cuối tấm bia, có tên 5 người lính cũng hy sinh vào ngày 17-2-1984. Và ngày Duẩn hy sinh cũng là một ngày như thế, đêm 16 rạng ngày 17-2 năm 2011.

Trần Văn Duẩn hy sinh khi cô giáo Vân Chi mới chỉ 26 tuổi, cũng là độ tuổi trở thành “quả phụ” của những người vợ Hoàng Sa. Khi cùng với các bà quả phụ Ngụy Văn Thà, Nguyễn Thành Trí, Nguyễn Thành Trọng… xây nhà, chúng tôi ước ao có thể làm điều đó khi các bà vẫn đang còn trẻ.

Chúng tôi không muốn lại quá trễ với những người vợ lính như Vân Chi. Khi quyết định vận động 400 triệu, mua đất, xây nhà cho Vân Chi và bé Bảo Nam, chúng tôi còn muốn tất cả chúng ta cùng thấy rõ rằng, ngay ở thời điểm này, ngoài đảo xa, trên những vùng thâm sâu của chốn Biên thùy, vẫn đang có những người lính Việt Nam ngã xuống.

Chúng tôi cám ơn bạn Thiều Hoa , hai nhà báo Lê Đức Dục, Nguyễn Đức Bình, đã giới thiệu cô giáo Vân Chi cho Chương trình; giới thiệu cho NCHS một điểm đến mới. 
Xin mời các bạn tham gia đấu giá hoặc đóng góp phần của mình, từng viên gạch nhỏ, cùng chúng tôi bắc tiếp một nhịp cầu.

NGÔI NHÀ THỨ TƯ CỦA NHỊP CẦU HOÀNG SA

Từ FB của Huy Đức 11836694_857257837642732_2961978790217088109_n 11863215_857257760976073_3021204068332431895_n 11885137_857257680976081_6374194371789417665_n 11902543_857257607642755_7967749395143594525_n

Sáng 15-8-2015, các thành viên của Nhịp Cầu Hoàng Sa có mặt tại 588/20 khóm Đông Thịnh 3, phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, dự lễ Mừng Nhà Mới của gia đình tử sĩ Hoàng Sa Phạm Ngọc Đa. Ngôi nhà mới, một trệt, một lầu, được xây thay thế cho căn nhà mái tôn, vách ván, được dựng khi trung sĩ Phạm Ngọc Đa còn sống. Kinh phí xây dựng toàn bộ hết 720 triệu, trong đó phần đóng góp của Nhịp Cầu Hoàng Sa là 400 triệu.

Trung sĩ Phạm Ngọc Đa bị thương ngày 19-1-1974, trong trận Hải chiến Hoàng Sa lịch sử. Ông được đưa xuống bè cứu sinh, sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, ông trút hơi thở cuối cùng chỉ không lâu trước khi bè này gặp được tàu Hà Lan. Thợ máy Trần Văn Hà, người chứng kiến những giây phút cuối cùng của trung sĩ Phạm Ngọc Đa trên bè cứu sinh này, từ Bạc Liêu, và gia đình bà quả phụ trung sĩ Nguyễn Thành Trọng, từ Cần Thơ, đã tới Long Xuyên chia vui cùng gia trung sĩ Phạm Ngọc Đa.

Trung sĩ Đa ra đi để lại người mẹ tên là Phan Thị Thê, năm nay 87 tuổi. Suốt hơn 40 năm qua, cụ Thê vẫn sống trong ngôi nhà này với người con út Phạm Ngọc Cảnh. Trong suốt hơn 40 năm qua, cụ Phan Thị Thê đã lưu giữ tất cả những kỷ vật của người con đã mất, bao gồm khoản “cấp dưỡng tổ phụ” lên đến 150 nghìn đồng tiền VNCH mà cụ không hề chi xài vì cho rằng đó là ” tiền xương máu”.

Ngoài 400 triệu VND góp cùng gia đình xây nhà, trước đó, Chương trình NCHS còn tặng cụ Phan Thị Thê một sổ tiết kiệm trị giá 150 triệu đồng. Vừa qua, khi cụ Thê bị bệnh, phải can thiệp nong động mạch vành, NCHS cũng đã chi 112 triệu để hỗ trợ gia đình trang trải các chi phí thuốc men và bệnh viện.

Đây là “ngôi nhà thứ Tư” của Nhịp Cầu Hoàng Sa: Chương trình đã góp 1.114.292.981 VND để cùng bà quả phụ Hải quân Trung tá Ngụy Văn Thà mua một căn hộ ở chung cư Nguyễn Kim, quận 10, Sài Gòn, trị giá 1.343.797.981 VNĐ (tân gia ngày 11-7-2014); Chi 432 triệu VND giúp cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo mua đất xây nhà ở Hà Tĩnh (tân gia ngày 5-2-2015); Chi 400 triệu giúp vợ và con trai tử sĩ Hoàng Sa Nguyễn Thành Trọng chuộc lại nhà (30-4-2015).

Ngoài ra Chương trình còn chi 10 phần quà Tết 2014 cho 5 gia đình Hoàng Sa & 5 gia đình Gạc Ma (trị giá 5 triệu/phần quà); Chi 20 triệu cùng với blogger Cu Làng Cát giúp bà Hồ Thị Đức, mẹ anh hùng liệt sỹ Gạc Ma Trần Văn Phương, sửa nhà ở Quảng Binh; Chi 40 triệu giúp cựu binh Gạc Ma Phạm Xuân Trường hoàn thiện nhà ở Hương Sơn, Hà Tĩnh; Mua tặng trung sĩ Việt Nam Cộng Hòa Phan Văn Phải (quận 10, Sài Gòn) một xe Wave Alpha trị giá 19,3 triệu VND.

Như vậy, trong số 5 gia đình tử sĩ Hoàng Sa mà Chương trình được biết, chúng tôi đã giúp được 3 gia đình “dựng lại nhà”. Hiện, Nhịp Cầu Hoàng Sa đang chuẩn bị giúp gia đình bà quả phụ Hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí cải thiện chỗ ở. Sau ngôi nhà của Lê Hữu Thảo – trường hợp Gạc Ma duy nhất mà chúng tôi được biết chưa có nhà ở – Chương trình đang tiếp tục có nhiều hoạt động hỗ trợ các gia đình liệt sỹ Gạc Ma và các cựu binh Gạc Ma.

Qua hơn một năm tám tháng vận động, chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa đã nhận được hơn 860 lượt đóng góp với số tiền lên đến 3,7 tỷ đồng. Hoàng Sa là một nhịp cầu, được bắc để nối những tấm lòng người Việt. Phần tiếp theo của Chương trình sẽ hướng tới thân nhân của những người lính đã ngã xuống trong các cuộc chiến bảo vệ hải đảo, biên cương.

Chương trình kính mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các bạn. Xin cám ơn bạn bè người Việt ở trong và ngoài nước đã liên tục đồng hành với Nhịp Cầu Hoàng Sa.

Thai Dinh, Trung Quan Do, Xuân Bình Nguyễn, Nguyễn Thanh Bình, Do Thai Binh, Duong Binh Do, Nguyễn Thế Thanh, Hong Anh, Lan Anh Nguyen, Vu Anh Tran, Vu Kim Hanh, Cao Thang Dang, Nguyễn kc Hậu, Lê Nguyễn Hương Trà, Le Duc Duc, Lê Hữu Thảo, Bien Xanh Dau, Van Chi,Ai Van Ha, Tran Triet, Hinh Ta, Tung Ngo, Tâm Hằng, Hằng Thanh